Sau hơn chục năm làm việc, mình đã có dịp làm chung với hơn 900 nhân sự từ các lĩnh vực khác nhau như công nghệ (technology), bất động sản (properties), tiếp thị và kinh doanh (Sales and Marketing), quản lý và lãnh đạo (management and leadership)… cũng như phỏng vấn hơn 100 ứng viên từ các cấp độ như nhân viên, trưởng nhóm, trưởng phòng, giám đốc công nghệ (CTO)…

Nhờ vậy, mình đã có dịp học hỏi được rất nhiều điều hay ho, thú vị từ các ứng viên cũng như đồng nghiệp, hình thành nên cả tư duy lẫn thói quen làm việc. Việc làm qua nhiều môi trường khác nhau cũng giúp mình cải thiện được kiến thức, mở rộng góc nhìn, quan điểm và tạo ra những trải nghiệm phong phú.

Như khi làm tập đoàn, mình được làm những hệ thống lớn với tư duy làm việc cẩn thận, sâu sắc, lên kế hoạch và tính toán kỹ lưỡng trước khi thực hiện. Vì việc tác động đến cả hệ sinh thái đang phục vụ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu khách hàng cần sự cẩn trọng để tránh hậu quả đáng tiếc. Mình từng chứng kiến đồng nghiệp ở Mỹ vì tác động xóa dữ liệu (delete database) mà gây thiệt hại nặng nề cho công ty. Dù có bản backup để khôi phục dữ liệu nhưng vẫn ảnh hưởng lớn đến uy tín và cả doanh thu cho toàn tập đoàn.

Cũng qua sự cố này mà mình phát hiện ra những phương pháp backup rất kỹ lưỡng của các hệ thống lớn, từ việc chạy RAID cho ổ cứng, đến việc dùng nhiều CPU, rồi có server dự phòng, sao lưu dữ liệu (backup data) hàng ngày, thậm chí còn làm kỹ đến mức backup mỗi giờ.

Hoặc như khi dựng firewall để chống tấn công, team mình đã phải nghiên cứu rất sâu để tìm hiểu những ứng dụng nào thật sự cần thiết và được phép trao đổi dữ liệu thông qua firewall. Công việc không chỉ phức tạp mà còn cần cả sự cẩn thận vì nếu chặn nhầm dịch vụ quan trọng, hậu quả sẽ to lớn. Chiến dịch này không chỉ yêu cầu các kỹ sư xuất sắc từ bộ phận IT, mà còn cả sự kết hợp của bộ phận Đảm bảo chất lượng (QA/QC) để kiểm thử lại dịch vụ sau khi dựng firewall. Với việc có hàng ngàn máy chủ (server) cũng như hàng trăm dịch vụ chịu ảnh hưởng, việc thực hiện phải được tính toán và lên kế hoạch chi tiết để phối hợp đồng bộ giữa các bên, đòi hỏi sự tham gia của những bộ óc thiên tài từ các anh chị quản lý, giám đốc.


Làm tập đoàn nhiều thử thách là vậy, nhưng startups cũng không kém phần thú vị. Không chỉ cần sự linh hoạt, nhân tài của các startups thường còn cần rất nhiều tố chất khác. Cụ thể với bộ phận công nghệ, mình thường hay yêu cầu các Lập trình viên (Developer) nghiên cứu việc phát triển ứng dụng nhanh, với chi phí vừa phải và khả năng mở rộng cao.

Có rất nhiều ví dụ về những startups khởi đầu khiêm tốn chỉ với vài trăm người dùng (users), nhưng sau đó phát triển lên đến hàng triệu khách hàng. Việc thiết kế hệ thống linh hoạt sẽ giúp ứng dụng, web chịu tải khi lượng khách hàng tăng cao. Thường các kỹ thuật mà mình tâm đắc là sử dụng Load-Balancer, microservices, in-memory data… Khi phỏng vấn ứng viên cho các startups, mình hay chú trọng đến các yếu tố kỹ thuật này.

Ngoài ra, làm ở startups thì bạn sẽ có dịp trải nghiệm qua nhiều tech stacks. Như mình đã làm từ Java đến Python, JavaScript, VueJS, React Native, dùng qua nhiều cloud providers, tools…

Làm ở startups thì công việc đôi lúc đơn giản hơn tập đoàn. Có thể UI của các ứng dụng từ startups không quá phức tạp, cầu kỳ. Hoặc server, API không quá nhiều services, lượng data trong database có thể cũng không nhiều như tập đoàn. Tuy nhiên, làm startups thì bạn có thể trải nghiệm làm từ đầu (build from scratch / build from ground up), cũng khá là thú vị ha.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tự sáng tạo ra các phong cách làm việc riêng, các kỹ thuật riêng thay vì tuân theo các tiêu chuẩn gò bó trong tập đoàn. Đây là điểm cộng lớn với người thích sáng tạo như mình.

Với lại trong giới startups hay có câu nói: Chúng tôi làm việc này không phải vì thu nhập cao. Chúng tôi làm vì tưởng sẽ có thu nhập cao. Đấy, làm startups thành công thì an yên về mặt tài chính nhé.


Vậy những chuyện này có liên quan gì đến AI?

Theo dòng sự kiện, AI đang được nâng cấp để có khả năng nhớ lâu (và thù dai hơn chăng?), nên mình cũng thử sử dụng Mistral AI để tạo ra các cuộc phỏng vấn với ứng viên cho vị trí CTO. Nhìn chung, AI như Mistral cũng khá khéo léo trong việc trả lời các định nghĩa (terms) nhưng còn chưa tốt trong việc trả lời các câu hỏi tình huống và đưa ra lựa chọn.

AI cũng có thể lập trình, và mình thường sử dụng cho những thao tác đơn giản như việc dùng để tìm cách định dạng số thành tiền tệ (format currency) chẳng hạn. Trong những ngữ cảnh phức tạp hơn, AI thường thiếu hiệu quả, ví dụ như nếu bạn nhờ AI bày cách phòng chống mã độc cho web app của bạn, em nó có thể trả lời chung chung, đọc cho biết các terms chứ không ứng dụng thực tế được.

Thế nên trong tương lai gần, giai đoạn 2025-2026, mình nghĩ bản thân sẽ vẫn tập trung vào việc tuyển dụng, sử dụng nhân lực để lập trình, làm các công việc kỹ thuật phức tạp, rắc rối. Nhưng song song với đó, mình cũng sẽ trang bị cho các lập trình viên của mình Mistral AI để họ có thể trải nghiệm và nâng cao năng lực bản thân.

Nhân tiện, nếu bạn nào muốn trải nghiệm kiến thức của CTO trong các buổi phỏng vấn, bạn có thể nhờ AI đóng vai CTO và trả lời câu hỏi của bạn. Ví dụ như:

Act as a CTO, tell me the technology strategies used by CTO in web development

Chúc các bạn thành công trong công việc nha.

Leave a Reply

Your email address will not be published